Chính phủ ban hành Nghị định quy định chức năng, nhiêm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường

Thứ tư – 05/04/2017 10:23

Bộ Tài nguyên và Môi trườngBộ Tài nguyên và Môi trường

Ngày 4/4/2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị định số 36/2017/NĐ-CP quy định chức năng, nhiêm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành và thay thế Nghị định số 21/2013/NĐ-CP ngày 04 tháng 3 năm 2013.
Theo Nghị định, Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các lĩnh vực: Đất đai; tài nguyên nước; tài nguyên khoáng sản, địa chất; môi trường; khí tượng thuỷ văn; biến đổi khí hậu; đo đạc và bản đồ; quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; viễn thám; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ.Cơ cấu tổ chức gồm 23 đơn vị: 1-Vụ Hợp tác quốc tế; 2-Vụ Kế hoạch – Tài chính; 3-Vụ Khoa học và Công nghệ; 4-Vụ Pháp chế; 5-Vụ Thi đua, Khen thưởng và Tuyên truyền; 6-Vụ Tổ chức cán bộ; 7-Thanh tra Bộ; 8-Văn phòng Bộ; 9-Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam; 10-Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam; 11-Tổng cục Quản lý đất đai; 12-Tổng cục Môi trường; 13-Tổng cục Khí tượng Thủy văn; 14-Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường;15- Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam; 16-Cục Biến đổi khí hậu; 17-Cục Quản lý tài nguyên nước; 18-Cục Viễn thám quốc gia; 19-Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường; 20-Báo Tài nguyên và Môi trường; 21-Tạp chí Tài nguyên và Môi trường; 22-Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia; 23-Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tài nguyên và môi trường.

Đối với lĩnh vực tài nguyên nước, Nghị định quy định các nhiệm vụ và quyền hạn về tài nguyên nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường như sau:
a) Hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án về phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, phục hồi các nguồn nước bị ô nhiễm, cạn kiệt, ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm các nguồn nước để bảo đảm việc khai thác, sử dụng tổng hợp, đa mục tiêu, tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước trên các lưu vực sông thuộc phạm vi quản lý của Bộ sau khi được cấp có thẩm quyền quyết định, phê duyệt;
b) Lập quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước, quy hoạch tài nguyên nước chung của cả nước; tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt; có ý kiến bằng văn bản về quy hoạch tài nguyên nước của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; chấp thuận về nội dung liên quan đến khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước và phòng chống khắc phục hậu quả, tác hại do nước gây ra đối với quy hoạch thủy lợi, thủy điện, cấp nước, giao thông đường thủy nội địa và các quy hoạch khác có hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước do các bộ, cơ quan ngang bộ lập và các hoạt động có liên quan đến khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước theo thẩm quyền; thẩm định dự án chuyển nước lưu vực sông;
c) Phân loại nguồn nước liên tỉnh theo mức độ ô nhiễm, cạn kiệt; lập kế hoạch điều hòa, phân phối tài nguyên nước phục hồi các nguồn nước liên tỉnh bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt và tổ chức thực hiện sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch điều hòa, phân phối tài nguyên nước, phương án phòng, chống suy thoái cạn kiệt nguồn nước trong các hoạt động xây dựng, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo quy định pháp luật;
d) Lập danh mục lưu vực sông liên tỉnh; lập, ban hành các danh mục lưu vực sông nội tỉnh, danh mục nguồn nước liên tỉnh, liên quốc gia;
đ) Khoanh định, công bố vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, vùng cần bổ sung nhân tạo nước dưới đất, dòng chảy tối thiểu, ngưỡng khai thác nước dưới đất theo quy định của pháp luật; hướng dẫn việc thực hiện các quy định về lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước theo quy định của pháp luật; xác định, công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt;
e) Tổ chức xây dựng mô hình sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; phổ biến, tuyên truyền mô hình, công nghệ, thiết bị tiết kiệm nước; hướng dẫn việc thực hiện các quy định về ưu đãi đối với các hoạt động sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả;
g) Lập, điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông theo danh mục các hồ chứa phải xây dựng quy trình vận hành liên hồ và hướng dẫn việc thực hiện sau khi được ban hành; hướng dẫn việc thực hiện các quy định về quan trắc, giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước trên các lưu vực sông; thẩm định các dự án xây dựng hồ chứa về việc đáp ứng các yêu cầu bảo vệ, khai thác, sử dụng tổng hợp, đa mục tiêu tài nguyên nước và sự phù hợp với quy hoạch tài nguyên nước;
h) Hướng dẫn, kiểm tra và thực hiện các biện pháp duy trì dòng chảy tối thiểu trên sông, bảo đảm khai thác, sử dụng tổng hợp, hiệu quả nguồn nước trên các lưu vực sông đối với các hồ chứa và việc bảo vệ lòng, bờ bãi sông, bảo đảm sự lưu thông của dòng chảy; việc tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn, phòng, chống sụt, lún đất trong thăm dò, khai thác sử dụng nước theo quy định của pháp luật; chỉ đạo việc tổ chức thực hiện các biện pháp hạn chế sụt, lún đất (không bao gồm công trình thủy lợi, đê điều, phòng, chống thiên tai) trong thăm dò, khai thác sử dụng nước theo quy định của pháp luật;
i) Thực hiện công tác điều tra cơ bản tài nguyên nước của cả nước; tổng hợp kết quả điều tra cơ bản, tình hình khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước do các bộ, ngành và địa phương thực hiện; kiểm kê, đánh giá, dự báo tài nguyên nước; xây dựng, quản lý hệ thống quan trắc, giám sát tài nguyên nước, khai thác, sử dụng nước và xả nước thải vào nguồn nước đối với các lưu vực sông liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh, liên quốc gia; xây dựng, quản lý và khai thác hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia; quản lý, lưu trữ, công bố và cung cấp thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước, tình hình khai thác, sử dụng tài nguyên nước, tình trạng khan hiếm nước, thiếu nước trên các lưu vực sông và biện pháp điều tiết, phân bổ, sử dụng tiết kiệm nước phù hợp;
k)  Hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện việc cấp, gia hạn, điều chỉnh, đình chỉ, thu hồi, cấp lại giấy phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước và hành nghề khoan nước dưới đất; chấp thuận việc chuyển nhượng quyền khai thác tài nguyên nước theo quy định của pháp luật;
l) Giải quyết vướng mắc, bất đồng phát sinh trong việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước đối với các trường hợp thuộc thẩm quyền cấp giấy phép, vướng mắc khác về tài nguyên nước giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
m) Làm cơ quan đầu mối quốc gia trao đổi thông tin liên quan đến nguồn nước liên quốc gia và tham gia các tổ chức, diễn đàn quốc tế về lưu vực sông; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các công ước, điều ước, thoả thuận quốc tế về tài nguyên nước mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
n) Theo dõi, giám sát, tổng hợp tình hình về các nguồn nước liên quốc gia, kịp thời báo cáo, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xử lý các vấn đề nhằm bảo đảm quyền và lợi ích của Việt Nam;
o) Là cơ quan Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, Hội đồng quốc gia về tài nguyên nước và các Ủy ban lưu vực sông.
Nghị định số 36/2017/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 04/4/2017.